Phố cổ Hội An thu hút du khách bởi những công trình kiến trúc độc đáo hiếm nơi nào có được. Có thể kể đến như hội quán Phúc Kiến,
nhà cổ Tấn Ký, Chùa Cầu, miếu Quan Công… Trong bài viết này xin giới thiệu đến mọi người Chùa Cầu Hội An, một cây cầu rất đặc biệt, nếu như bạn để ý trên tờ tiền 20.000đ sẽ thấy hình ảnh của nó.
1. Lịch sử ra đời của chùa cầu Hội An.
Vào thế kỷ thứ 16 – 17, Hội An là một cảng thị vô cùng sầm uất, là nơi các thuyền buôn Châu Âu, Nhật Bản, trung Quốc, ra vào buôn bán suốt ngày đêm. Nhờ vào chính sách cởi mở của chúa Nguyễn, các kiều dân Nhật Bản, Trung Hoa được phép định cư ở mảnh đất này.
Trong quá trình sinh sống ở đây, những kiều dân và người bản xứ đã dựng nên những công trình kiến trúc độc đáo gồm nhà cửa, chùa, miếu, đền thờ… Hầu hết vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Chùa Cầu Hội An cũng ra đời trong bối cảnh lịch sử như vậy.
Theo truyền thuyết Nhật Bản có một con thủy quái khổng lồ gọi là Namazu. Phần đuôi của nó nằm ở nước Nhật, đầu nó ở Ấn Độ, lưng vắt qua Hội An. Mỗi lần con thủy quái cựa quậy thì còn Hội An xảy ra lũ lụt, còn nước Nhật xảy ra động đất.
Vì muốn được yên ổn làm ăn, buôn bán, những thương nhân người Nhật thuở ấy đã góp tiền xây lên Chùa Cầu với ý nghĩa như một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật, khiến nó không còn cựa quậy được nữa.
2. Kiến trúc của Chùa Cầu
Chùa Cầu có kiến trúc rất độc đáo, có thể nói là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Nhìn từ xa sẽ thấy một ngôi chùa nằm trên chiếc cầu, bắc qua một con lạch nhỏ chảy ra sông Thu Bồn. Hình dáng tổng thể giống như chiếc cầu vồng. Chùa Cầu gồm có 7 gian. 2 gian đầu hồi uốn cong theo hình vỏ cua, 5 gian ở giữa là một hệ kết cấu gỗ đặc biệt gọi là “trính chồng trụ đội”. Mái lợp ngói âm dương, các góc đều được gắn họa tiết rồng.
Tiến vào bên trong, ở mỗi đầu cầu có đặt bức tượng thú – một chú khỉ, và một chú chó. Thoạt nhìn mọi người có thể nghĩ chúng tạc bằng đá. Nhưng thực ra được làm bằng gỗ mạ một lớp sơn màu vàng. Ý nghĩa của hai con thú này đến bây giờ vẫn là một điều gây tranh cãi. Có ý kiến cho rằng cây cầu được khởi công vào năm Thân và hoàn thành vào năm Tuất, nên người ta dựng tượng hai con vật này như là cách để ghi nhớ. Nhưng có người lại bảo chó, và khỉ được đặt là bởi người Nhật quan niệm chúng là những con vật linh thiêng.
Đi vào giữa nhìn lên trên cánh cửa chính của Chùa Cầu có tấm biển lớn đề 3 chữ “Lai Viễn Kiều” (Cây cầu đón những người phương xa tới). Được chúa Nguyễn Phúc Chu ban khi ông đến thăm Hội An vào năm 1719.
Tuy được gọi là chùa nhưng thực tế ở đây lại không thờ bất kỳ vị phật nào cả. Chùa Cầu thờ một vị thánh gọi là Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người. Tượng của ngài được đặt ở gian chính giữa.
Trong suốt 400 năm lịch sử Chùa Cầu đã trải qua 4 lần trùng tu, vào các năm 1817, 1865, 1915, và 1986. Năm 1990, Chùa Cầu Hội An được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia, trở thành biểu tượng chính thức của Hội An.
Chi tiết bài viết:
https://my-clownfish.com/chua-cau-ho...nhat-o-pho-co/
Có thể bạn quan tâm:
https://my-clownfish.com/cau-vang-o-...-vang-da-nang/